Trong thế giới cạnh tranh khốc liệt của ngành công nghiệp thực phẩm, bao bì sản phẩm không chỉ đóng vai trò bảo vệ và bảo quản sản phẩm mà còn là một công cụ tiếp thị mạnh mẽ.
Đặc biệt đối với bánh kẹo, nơi mà màu sắc và thiết kế thu hút ánh nhìn, thông tin trên bao bì cũng phải thực hiện nhiệm vụ không kém phần quan trọng: truyền đạt đến người tiêu dùng. Từ thành phần dinh dưỡng, nguồn gốc xuất xứ, đến hướng dẫn sử dụng và bảo quản, mỗi chi tiết đều có sức ảnh hưởng đến quyết định mua hàng của khách hàng. Hãy cùng khám phá những thông tin quan trọng cần có trên bao bì bánh kẹo, những yếu tố không chỉ tuân thủ quy định pháp luật mà còn tối ưu hóa sự hài lòng và trải nghiệm của người tiêu dùng.

Quy định những thông tin bắt buộc trên bao bì bánh kẹo
Theo Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn hàng hóa thì Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa kể cả nhãn phụ phải bảo đảm ghi nhãn trung thực, rõ ràng, chính xác, phản ánh đúng bản chất của hàng hóa. Dưới đây là một số quy định trong nội dung ghi nhãn bao bì sản phẩm:
- Nhãn hàng hóa bắt buộc phải thể hiện các nội dung sau
- Tên hàng hóa
- Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa
- Xuất xứ hàng hóa
- Định lượng hàng hóa
- Ngày sản xuất, hạn sử dụng
- Thành phần, thành phần định lượng
- Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo
Trường hợp hàng hóa có tính chất thuộc nhiều nhóm, hoặc chưa được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật, căn cứ vào công dụng chính của hàng hóa, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa tự xác định nhóm của hàng hóa để ghi các nội dung quy định
Trường hợp do kích thước của hàng hóa không đủ để thể hiện tất cả các nội dung bắt buộc trên nhãn, thì phải ghi những nội dung quy định phải được ghi trong tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó. Hoặc được ghi trong tài liệu đi kèm và đồng thời, trên nhãn phải thể hiện nơi được ghi.
Tên hàng hóa
Tên hàng hóa phải ở vị trí dễ thấy, dễ đọc trên nhãn hàng hóa. Chữ viết tên hàng hóa phải là chữ có kích thước lớn nhất so với các nội dung bắt buộc khác trên nhãn hàng hóa.
Tên riêng của tổ chức, cá nhân và địa danh ghi trên nhãn hàng hóa không được viết tắt.
Hàng hóa được sản xuất trong nước thì ghi tên của tổ chức, cá nhân và địa chỉ cơ sở sản xuất hàng hóa đó.
Hàng hóa được nhập khẩu để lưu thông tại Việt Nam thì ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân sản xuất. Và ghi tên, địa chỉ của tổ chức, cá nhân nhập khẩu.
Trường hợp tổ chức, cá nhân thực hiện lắp ráp, đóng gói, đóng chai thì trên nhãn phải ghi tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân lắp ráp, đóng gói, đóng chai đó, và phải ghi tên hoặc tên và địa chỉ, và các nội dung khác của tổ chức, cá nhân sản xuất ra hàng hóa trước khi lắp ráp, đóng gói, đóng chai khi được các tổ chức, cá nhân này cho phép.

Định lượng hàng hóa
Hàng hóa định lượng bằng đại lượng đo lường thì phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường. Hàng hóa định lượng bằng số đếm thì phải ghi định lượng theo số đếm tự nhiên.
Ngày sản xuất, hạn sử dụng
Ngày sản xuất, hạn sử dụng hàng hóa được ghi theo thứ tự ngày, tháng, năm của năm dương lịch. Trường hợp ghi theo thứ tự khác thì phải có chú thích thứ tự đó bằng tiếng Việt.
Mỗi số chỉ ngày, chỉ tháng, chỉ năm ghi bằng hai chữ số. Được phép ghi số chỉ năm bằng bốn chữ số. Số chỉ ngày, tháng, năm của một mốc thời gian phải ghi cùng một dòng.
Trường hợp quy định ghi tháng sản xuất thì ghi theo thứ tự tháng, năm của năm dương lịch.
Trường hợp quy định ghi năm sản xuất thì ghi bốn chữ số chỉ năm của năm dương lịch.
“Ngày sản xuất”, “hạn sử dụng” hoặc “hạn dùng” ghi trên nhãn được ghi đầy đủ. Hoặc ghi tắt bằng chữ in hoa là: “NSX”, “HSD” hoặc “HD”.
Xuất xứ hàng hóa
Tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định và ghi xuất xứ đối với hàng hóa của mình. Nhưng phải bảo đảm trung thực, chính xác. Tuân thủ các quy định của pháp luật về xuất xứ hàng hóa hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết. Cách ghi xuất xứ hàng hóa được quy định như sau: Ghi cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” kèm tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó. Tên nước hoặc vùng lãnh thổ sản xuất ra hàng hóa đó không được viết tắt.
Thành phần, thành phần định lượng
Ghi thành phần là ghi tên nguyên liệu kể cả chất phụ gia dùng để sản xuất ra hàng hóa và tồn tại trong thành phẩm. Kể cả trường hợp hình thức nguyên liệu đã bị thay đổi.
Trường hợp tên của thành phần được ghi trên nhãn hàng hóa để gây sự chú ý đối với hàng hóa thì thành phần đó bắt buộc phải ghi định lượng. Trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 13 của Nghị định 43/2017/NĐ-CP
Ghi thành phần định lượng là ghi thành phần kèm định lượng của từng thành phần. Tùy theo tính chất, trạng thái của hàng hóa, thành phần định lượng được ghi là khối lượng của thành phần đó có trong một đơn vị sản phẩm. Hoặc ghi theo một trong các tỷ lệ: Khối lượng với khối lượng; khối lượng với thể tích; thể tích với thể tích; phần trăm khối lượng; phần trăm thể tích.
Trường hợp thành phần hàng hóa được định lượng bằng các đại lượng đo lường phải ghi định lượng theo quy định của pháp luật Việt Nam về đo lường.
Thông số kỹ thuật, thông tin cảnh báo
Thông số kỹ thuật và dung sai của thông số này (nếu có). Thông tin cảnh báo phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan. Trường hợp không có quy định cụ thể, tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm ghi nhãn hàng hóa tự xác định thông số kỹ thuật, dung sai và thông tin cảnh báo. Thông tin cảnh báo ghi trên nhãn bằng chữ, bằng hình ảnh hoặc bằng các ký hiệu theo thông lệ quốc tế và quy định liên quan.
Giá trị khoảng dung sai được thể hiện trên nhãn phải tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan và tiêu chuẩn công bố áp dụng. Trường hợp thể hiện một giá trị cụ thể thì không được ghi theo hướng tạo lợi thế cho chính hàng hóa đó.

Các nội dung khác thể hiện trên nhãn
Tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa được thể hiện mã số, mã vạch, dấu hợp chuẩn, dấu hợp quy và những nội dung khác (nếu có). Những nội dung thể hiện thêm không được trái với pháp luật. Và phải bảo đảm trung thực, chính xác. Phản ánh đúng bản chất của hàng hóa, không che khuất, không làm sai lệch những nội dung bắt buộc trên nhãn. Nhãn hàng hóa không được thể hiện những hình ảnh, nội dung liên quan đến tranh chấp chủ quyền và các nội dung nhạy cảm khác có thể gây ảnh hưởng đến an ninh, chính trị, kinh tế, xã hội, quan hệ ngoại giao và thuần phong mỹ tục của Việt Nam.
Tuân thủ những quy định về nội dung nhãn sản phẩm không chỉ là trách nhiệm pháp lý và còn là lời cam kết về sự minh bạch và trung thực trong quan hệ thương mại.