Thị trường bao bì toàn cầu hiện nay đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể, thể hiện qua quy mô thị trường bao bì công nghiệp toàn cầu ước đạt 66,27 tỷ USD vào năm 2024 và sẽ tăng lên 83,45 tỷ USD vào năm 2029, với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 4,72% giai đoạn 2024-2029. Ngành bao bì đã khẳng định vai trò thiết yếu trong nền kinh tế toàn cầu, không chỉ trong việc bảo vệ sản phẩm, truyền tải thông tin mà còn tạo ra giá trị gia tăng cho người tiêu dùng.
Với sự phát triển của thương mại điện tử, sự gia tăng về nhu cầu tiêu dùng và các chính sách thương mại mới, ngành bao bì nhựa có tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ. Tuy nhiên, áp lực từ yêu cầu bảo vệ môi trường và sự thay đổi trong hành vi tiêu dùng đòi hỏi các doanh nghiệp phải đổi mới và thích nghi.
1. Động lực tăng trưởng và thị trường toàn cầu
Ngành bao bì nhựa đang chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trên toàn cầu, đặc biệt là ở các thị trường đang phát triển. Sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự bùng nổ của thương mại điện tử, nhu cầu tiêu dùng gia tăng và các chính sách thương mại tự do. Theo dự báo, thị trường bao bì nhựa toàn cầu sẽ đạt hàng chục tỷ USD vào những năm tới với tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 4-5%.
Ngành bao bì nhựa đang trên đà phát triển mạnh mẽ
Trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngày càng mở rộng, ngành bao bì nhựa đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ sản phẩm, kéo dài thời gian sử dụng và cung cấp thông tin sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Ở các thị trường như Việt Nam, ngành bao bì nhựa đang trên đà phát triển mạnh mẽ nhờ vào sự phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19 và sự gia tăng của thương mại điện tử.
Theo Hiệp hội Bao bì Việt Nam, hiện nay cả nước có khoảng 14.000 doanh nghiệp hoạt động trong ngành bao bì, trong đó có khoảng 9.200 doanh nghiệp tập trung vào bao bì nhựa. Đây là một lĩnh vực hấp dẫn sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước do tốc độ tăng trưởng nhanh nhất tại Việt Nam.
Dư địa tăng trưởng của ngành bao bì tại Việt Nam trong thời gian tới vẫn còn lớn, đặc biệt là trong các ngành thực phẩm và đồ uống. Điều này là kết quả của sự gia tăng nhu cầu về bao bì an toàn, bền và tiện lợi từ phía người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng đã và đang tìm cách tăng cường sự hiện diện của mình trên thị trường toàn cầu bằng cách cải thiện chất lượng sản phẩm, giảm chi phí sản xuất và tuân thủ các tiêu chuẩn môi trường.
2. Xu hướng sản xuất bền vững
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và các yêu cầu bảo vệ môi trường ngày càng cao, ngành bao bì nhựa đang phải đối mặt với những áp lực lớn để thay đổi. Các quy định môi trường ngày càng nghiêm ngặt đòi hỏi các doanh nghiệp phải tìm cách sản xuất bao bì theo hướng bền vững hơn.
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tích cực triển khai việc sử dụng bao bì tái chế. Một ví dụ điển hình là Coca-Cola Việt Nam, đơn vị tiên phong giới thiệu chai COCA-COLA™ làm từ 100% nhựa tái chế vào tháng 9/2022, giúp giảm hơn 2.000 tấn nhựa mới mỗi năm tại Việt Nam. Bằng cách hợp tác với các nhà tái chế nhựa, Coca-Cola Việt Nam đã thu gom và tái chế hơn 40% bao bì nhựa PET trong năm 2023.
Nguyên liệu tái chế được Công ty CP Thuận Đức sử dụng trong công nghệ sản xuất bao bì PP
Tương tự, Unilever Việt Nam đã đạt được 63% bao bì có khả năng tái chế hoặc phân hủy dễ dàng, đồng thời giảm 52% lượng nhựa nguyên sinh nhờ vào việc cắt giảm trực tiếp và sử dụng nhựa tái chế.
Nestlé Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này, với sản phẩm hộp sữa NAN có muỗng và nắp làm từ 66% nguyên liệu có nguồn gốc thực vật. Bên cạnh đó, Nestlé cũng đã tối ưu hóa trọng lượng màng bọc của viên nén cà phê và hướng đến sử dụng bao bì đơn lớp cho cà phê hòa tan, giúp tái chế dễ dàng hơn sau khi sử dụng.
Xu hướng sử dụng bao bì tái chế và bao bì sinh học đang ngày càng được ưa chuộng. Đây không chỉ là sự thích ứng với yêu cầu của khách hàng về sản phẩm thân thiện với môi trường mà còn là cách giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định pháp lý mới về bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh trên thị trường.
Những sản phẩm bao bì có nguồn gốc từ nguyên liệu tái chế hoặc có khả năng tái sử dụng không chỉ thu hút sự quan tâm của người tiêu dùng mà còn giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí trong dài hạn.
3. Cơ hội và thách thức từ thị trường quốc tế
Việt Nam đang hưởng lợi từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) như EVFTA, CPTPP, RCEP giúp giảm thuế suất xuất khẩu bao bì nhựa sang các thị trường khó tính như EU và Nhật Bản. Tuy nhiên, cùng với cơ hội cũng là những thách thức lớn. Các thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ, có những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm và tiêu chuẩn môi trường
Để vượt qua những thách thức này, các doanh nghiệp cần đầu tư vào công nghệ hiện đại và quy trình sản xuất khép kín, nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt chuẩn quốc tế và giảm thiểu tác động môi trường. Một số doanh nghiệp đã thành công trong việc thâm nhập các thị trường khó tính này bằng cách đáp ứng các yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và tuân thủ các quy định pháp lý.
Một trong những thách thức lớn nhất đối với ngành bao bì nhựa là làm sao để giảm thiểu lượng rác thải nhựa và thúc đẩy tái chế. Việc tăng cường sử dụng nhựa tái chế không chỉ giúp giảm thiểu chi phí sản xuất mà còn giúp các doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về phát triển bền vững từ các thị trường quốc tế.
4. Đổi mới sáng tạo trong ngành bao bì nhựa
Bao bì nhựa vẫn giữ vị thế quan trọng nhờ những đặc tính vượt trội như nhẹ, bền và giá thành thấp. Tuy nhiên, để giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường, ngành bao bì nhựa đang phải đối mặt với yêu cầu đổi mới sáng tạo mạnh mẽ.
Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp bao bì nhựa duy trì vị thế và phát triển bền vững
Đổi mới sáng tạo là yếu tố then chốt giúp các doanh nghiệp bao bì nhựa duy trì vị thế và phát triển bền vững trên thị trường. Sự phát triển của công nghệ mới như in 3D, công nghệ nano và sử dụng nhựa sinh học đang mở ra những cơ hội mới cho ngành bao bì nhựa.
Công nghệ in 3D cho phép sản xuất các sản phẩm bao bì nhựa với độ chính xác cao và giảm thiểu lượng nguyên liệu lãng phí. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí sản xuất mà còn giúp giảm thiểu tác động môi trường.
Sử dụng nhựa sinh học, nhựa tái chế và các vật liệu thân thiện với môi trường đang là xu hướng mới trong ngành bao bì nhựa. Những vật liệu này không chỉ giúp giảm thiểu lượng rác thải nhựa mà còn giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để tìm ra những giải pháp mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện chất lượng sản phẩm và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng. Đổi mới sáng tạo không chỉ là yếu tố cần thiết để duy trì sự phát triển của ngành bao bì nhựa mà còn là chìa khóa giúp các doanh nghiệp tạo ra sự khác biệt trên thị trường.